Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán khác nhau. Người Mường từ xa xưa đã lưu lại cho con cái họ những phong tục truyền thống thú vị. Phong tục cưới dân tộc Mường là nét đặc sắc cần được bảo tồn và lưu giữ.
Trước ngày cưới chú rể phải có mặt tại nhà gái để chuẩn bị cỗ bàn cho nhà gái. Chú rể sẽ ở đó cho đến sát ngày cưới mới được về nhà mình để hôm sau chuẩn bị đón dâu. Ngoài ra, nhà trai cũng sẽ phải cử người sang nhà gái làm cỗ bàn chung. Hầu hết mọi thứ dùng cho đám cưới sẽ do nhà trai chuẩn bị. Những việc này thể hiện sự quan tâm, trân trọng khi cưới được cô gái của nhà trai.
Một điểm đặc biệt nữa là trong ngày đón dâu, đoàn nhà trai sẽ phải mang theo đồ cưới. Những đồ cưới này sẽ được nhà trai chuẩn bị theo truyền thống của dân tộc Mường. Đoàn đón dâu đến nhà gái sẽ được các cô gái hên nhà gái đứng ở cầu thang chào đón. Chú rể muốn leo cầu thang lên nhà sẽ bị những cô gái này té nước như mưa. Và chàng rể muốn không bị ướt sẽ phải chuẩn bị sẵn ô để dùng. Lên được nhà, chàng trai sẽ làm một số lễ rồi đón cô gái của mình về nhà.
Trên đường đưa dâu về nhà mình, cô dâu sẽ được chuẩn bị một con dao và nắm cơm. Trên đường đi, cô dâu sẽ lấy dao thái cơm ra ăn. Thậm chí khi về đến nhà chồng vẫn phải làm việc này. Người Mường quan niệm, cô dâu mới về nhà chồng chưa làm được gì nên sẽ phải ăn cơm của nhà mẹ đẻ. Sau khi ăn xong nắm cơm, cô gái sẽ được coi như trở thành dâu của gia đình.
Những phong tục cưới của dân tộc Mường còn biến đổi theo từng địa phương và vùng miền. Mặc dù vậy, những nét đặc trưng của văn hoá dân tộc thì vẫn được duy trì qua các thế hệ. Người Mường luôn coi trọng và cố gắng phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Bài viết trên hy vọng sẽ phần nào đó giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về phong tục cưới của người Mường.